Ngôn ngữ và chữ viết Lưỡng Hà

Ngôn ngữ viết sớm nhất tại Lưỡng Hà là tiếng Sumer - một ngôn ngữ đã "tuyệt chủng". Các học giả đồng ý rằng nhiều ngôn ngữ khác cũng đã được sử dụng ở Lưỡng Hà trong thời kỳ đầu song song với tiếng Sumer. Sau này Tiếng Semit, tiếng Akkad, dần trở thành ngôn ngữ phổ thông, dù tiếng Sumer vẫn được giữ lại sử dụng trong hành chính, tôn giáo, văn học, và khoa học. Nhiều biến thể khác nhau của tiếng Akkad vẫn được sử dụng cho tới cuối thời kỳ Tân Babalon. Sau đó, tiếng Aramaic, vốn đã trở thành phổ thông tại Lưỡng Hà, trở thành ngôn ngữ chính thức của triều đại Achaemenid thuộc Đế chế Ba Tư. Tiếng Akkad bị bỏ rơi, nhưng cả nó và tiếng Sumer vẫn được sử dụng trong các ngôi đền trong một số thế kỷ.

Các bảo tàng và thư viện hoàng gia

Một trong những bộ sưu tập văn bản chữ hình nêm lớn nhất thuộc các văn khố của Ashurbanipal, nhà lãnh đạo Assyria. Khoảng năm 650 TCN ông đã quyết định thành lập một thư viện tại Nineveh. Bởi vì mọi ngôi đền tại Babylonia đều có thư viện, ông đã cử các sứ thần tới thu thập các văn bản khắc tại đó. Nếu ngôi đền nào từ chối trao những văn bản của mình, các vị sứ thần sẽ tiến hành sao chụp lại. Chỉ một thời gian ngắn, thư viện hoàng gia tại Nineveh đã trở thành thư viện lớn nhất ở Assyria. Đa số những gì chúng ta hiện biết về Lưỡng Hà cổ đại đều có được ở thư viện này.

Vua Babylon, Nebuchadnezzar II, đã thành lập một bảo tàng, nơi trưng bày một số bức tượng, các đồ vật và một số văn bản. Đây là một ví dụ về văn học Babylon.